Website trường THPT Chuyên Thái BìnhWebsite chính thức của trường THPT chuyên Thái Bình, tin tuyển sinh, điểm thi, thời khóa biểu, thông tin học sinh...
Banner
Kinh nghiệm để ôn môn Văn
Thứ năm - 05/04/2012 20:17
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, những môn học như toán, ngoại ngữ, văn luôn là môn thi bắt buộc. Vì vậy, trong khi chờ Bộ GD-ĐT công bố 3 môn thi còn lại vào cuối tháng 3 tới, ngay từ bây giờ, học sinh lớp 12 nên chủ động ôn tập những môn này.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, những môn học như toán, ngoại ngữ, văn luôn là môn thi bắt buộc.
Để ôn và thi tốt nghiệp môn văn đạt hiệu quả cao, học sinh có thể tham khảo những kinh nghiệm nhỏ sau đây:
Trước hết, cần nắm chắc chắn cấu trúc, thang điểm đề thi tốt nghiệp môn văn do Bộ GD- ĐT quy định. Đề thi môn Văn gồm 4 câu hỏi, chia làm 2 phần. Phần I bắt buộc phải làm, có 2 câu: câu 1 (2 điểm) dạng tái hiện kiến thức như nêu hoàn cảnh ra đời, giải thích nhan đề tác phẩm, nêu tình huống truyện...; câu 2 (3 điểm) yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội khoảng 400 chữ về một hiện tượng trong đời sống, một tư tưởng đạo lý hoặc một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học. Phần II (5 điểm), học sinh chọn làm một trong hai câu 3a hoặc 3b với kiến thức nghị luận văn học.
Vậy, để nắm được lượng kiến thức tương ứng với cấu trúc đề thi cho từng câu hỏi, chúng ta cần hệ thống hóa kiến thức các phần như thơ, truyện ngắn, văn chính luận, tùy bút, kịch, văn học nước ngoài... theo từng đặc điểm giai đoạn lịch sử và phân phối chương trình. Mỗi phần cho từng thể loại có số lượng bài riêng, không trùng khớp giữa chương trình cơ bản với nâng cao. Sau khi hệ thống hóa kiến thức, cần nắm kiến thức cụ thể ở từng bài và những câu hỏi có thể ra ở cả hai dạng lý thuyết và phân tích thực hành ở bài đó.
Ví dụ: Khi ôn đoạn trích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có thể gặp câu hỏi ra ở phần lý thuyết 2 điểm, như: Nêu hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác, kết cấu bài thơ...; phần câu nghị luận 5 điểm có thể gặp như phân tích bức tranh bốn mùa trong nỗi nhớ của người về xuôi hoặc phân tích khí thế hùng mạnh của những đoàn quân ta ở Việt Bắc trong đoạn thơ cuối... Tức là làm sao chúng ta phải định hướng được câu hỏi dạng lý thuyết và câu hỏi dạng phân tích thực hành cụ thể cho từng tác phẩm với một cái nhìn toàn diện.
Khi đã nắm được những điều cơ bản, chúng ta học theo từng phần trong chương trình. Tránh tình trạng học phần này chưa xong lại chạy sang phần kia, vì như thế sẽ rối kiến thức. Học phần nào chắc phần đó, không học lan man giữa các yêu cầu trong bài, giữa các phần trong chương trình.
Riêng câu nghị luận xã hội 3 điểm, ngoài kiến thức ngữ văn, học sinh cần tích lũy một lượng kiến thức xã hội nhất định. Câu hỏi này thường được giải quyết theo hai hướng: thực trạng, nguyên nhân, giải pháp hoặc giải thích, phân tích, bình luận. Dù làm theo kiểu nào thì bài viết cũng phải có luận điểm, khoa học rõ ràng mới thuyết phục.
Như vậy, để ôn thi tốt nghiệp môn văn tốt, cơ bản và cũng là cách tốt nhất, chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện về chương trình học, nắm vững kiến thức, cấu trúc đề thi và những câu hỏi, thang điểm trong đề thi tương ứng với lượng kiến thức. Khi đó, chúng ta mới nhớ lâu và có cách giải quyết để thi đạt điểm tốt nhất.