Xin được giới thiệu Bản tham luận về việc rèn luyện đạo đức của đoàn viên thanh niên do đồng chí Trần Việt Kiều Anh, học sinh lớp 11 Văn khóa 2015-2018 trình bày tại Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2016-2017.
"Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các thầy giáo cô giáo cùng toàn thể các bạn đoàn viên thân mến!
Hôm nay trong buổi Đại hội Đoàn trường tôi rất vinh dự thay mặt cho các đoàn viên của Chi đoàn 11 Văn đóng góp một số ý kiến tham luận về vấn đề rèn luyện đạo đức của đoàn viên, thanh niên trong nhà trường.
Kính thưa đoàn chủ tịch, thưa toàn thể Đại hội!
Một con người được đánh giá dựa trên 2 yếu tố tri thức và đạo đức. Nếu tri thức là con thuyền thì đạo đức là bánh lái, nếu tri thức là chiến mã, thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ hướng thiện bởi đạo đức là cội nguồn, là gốc rễ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, cây phải có gốc, không gốc thì cây héo, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng là người vô dụng.
Cùng với sự trưởng thành của mỗi cá nhân, nền tảng đạo đức được hình thành, phát triển từ sớm và có khuynh hướng trở thành bản chất cố định, khó thay đổi. Vì vậy việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng.
Là những đoàn viên ưu tú, nhìn chung các bạn học sinh của trường THPT Chuyên Thái Bình đã có ý thức trong việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, có những cách ứng xử thông minh, đúng mực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của nhà trường và xã hội. Là số đông, tuy nhiên đó lại chưa phải là tất cả. Vẫn còn tồn tại đâu đó những biểu hiện chưa đẹp, chưa tốt của một số học sinh :
Thứ nhất là vấn đề Văn hóa ứng xử trong nhà trường:
Như chúng ta đã biết: Mối quan hệ trường học, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở của sự lắng nghe và tôn trọng. Nhưng nhìn cảnh một cơ số các bạn học sinh đi ngang qua các thầy cô giáo, các cán bộ công nhân viên chức trong nhà trường mà không chào, giả vờ ngó lơ rồi nhìn đi chỗ khác khiến ai cũng phải tự hỏi: Tinh thần “Tôn sư trọng đạo’’ của những học sinh đó đang ở đâu? Đa số các hành vi trên xuất phát từ suy nghĩ: Không phải thầy cô của mình thì không cần chào. Hãy bác bỏ ngay quan niệm sai lầm đó trước khi nó bén rễ vào sâu trong tiềm thức của mỗi học sinh. Bên cạnh đó còn có hiện tượng một số học sinh lại cho rằng các thầy cô chưa tâm lý, công bằng trong cách ứng xử, từ đó nảy sinh ra những định kiến sai lệch, đi xa hơn là những phát ngôn bồng bột, thiếu suy nghĩ. Mỗi quyết định của thầy cô đều có lí do và có sự cân nhắc kĩ lưỡng xuất phát từ tâm huyết của nhà giáo và sự quan tâm, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với học trò của mình. Là một người học sinh, hãy giữ đúng cương vị của mình, luôn tôn trọng các thầy cô giáo và cư xử sao cho đúng mực. Hãy để cho những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường là quãng thời gian tươi đẹp nhất của tuổi học trò. Đừng để những giây phút bồng bột khiến mình phải ân hận, luyến tiếc.
Thứ hai là vấn đề thể hiện bản thân:
Những học sinh dưới mái trường THPT Chuyên Thái Bình đều là những hạt nhân xuất sắc hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài năng, thành tích học tập…Vì vậy tâm lí muốn thể hiện mình là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng nếu loay hoay đi tìm một cách thật cá biệt để thể hiên bản thân mình, cố gắng chứng tỏ cái tôi của mình bằng những hành động lời lẽ không hay, thiếu tôn trọng thì hoàn toàn không nên. Thay vì vậy hãy chọn cho mình sở trường, thế mạnh về học tập, văn nghệ, thể dục thể thao để phát huy chứng tỏ mình. Đó mới thực sự là cách tốt nhất để để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng thầy cô và mọi người. Bởi vì chúng ta luôn ngưỡng mộ và ấn tượng với những Vũ Xuân Trung, những Trần Hồng Quân với nụ cười trên môi cùng những huy chương vàng danh giá chứ không phải là bất kì ai khác với những cách ăn mặc không phù hợp hay những phát ngôn thiếu suy nghĩ, thiếu tôn trọng.
Thứ ba là vấn đề văn hóa phát ngôn trên mạng xã hội:
Chưa bao giờ sự kết nối giữa mọi người với nhau lại trở nên dễ dàng hơn thế nhờ có mạng xã hội. Nhưng cũng chính cái thế giới ảo không luật lệ, không ràng buộc pháp lý ấy lại vô tình trở thành nơi mà con người ta nghiễm nhiên đặt quyền tự do ngôn luận của mình lên vị trí tối cao. Và khi ranh giới giữa tự do ngôn luận và việc phát ngôn tùy tiện trở nên mờ nhòe sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Các thầy cô trong nhà trường luôn tạo cho các bạn học sinh rất nhiều cơ hội để có thể bày tỏ suy nghĩ, đóng góp, ý kiến của mình. Bởi vậy, thay vì đem tất cả những bức xúc của cá nhân mình vào những dòng trạng thái vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội, nếu bạn có bất kì ý kiến hay đóng góp gì với nhà trường, hãy mạnh dạn bày tỏ với các thầy cô giáo chịu trách nhiệm trong lĩnh vực đó. Các thầy cô sẽ luôn sẵn lòng giúp bạn giải đáp những thắc mắc, và thậm chí hiện thức hóa những giải pháp mà bạn đề đạt. Mạng xã hội mở ra một thế giới ảo nhưng để lại hậu quả thật. Bạn luôn phải chịu trách nhiệm với bất cứ một lời bình luận hay động thái nào của mình trên mạng xã hội. Vì vậy trước khi hành động hãy cân nhắc và suy xét một cách kĩ lưỡng. Đừng để những phát ngôn của mình ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của bất kì một cá nhân hay tập thể nào khác.
Cuối cùng là vấn đề văn hóa giao thông:
Chấp hành luật pháp luôn là những bài học quan trọng mà các học sinh được học trong những giờ học trên lớp trong các hoạt động đoàn thể của nhà trường. Tuy nhiên vẫn còn một số các bạn học sinh còn chưa nghiêm túc trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Phần lớn các bạn học sinh trong trường sử dụng phương tiên đi lại là xe đạp điện nhưng trong đó, còn một số bộ phận học sinh chưa có ý thức đội mũ bảo hiểm khi sử dụng loại phương tiện này. Có một số học sinh đã bị lực lượng chức năng nhắc nhở và gửi danh sách về nhà trường làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của nhà trường. Trước khi nhìn nhận pháp luật như là một công cụ để giữ gìn trật tự xã hội hãy coi trọng luật pháp như một cách để bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh.
Ở đây tôi đề cập đến văn hóa giao thông như một khía cạnh nhỏ tiêu biểu cho văn hóa ứng xử ngoài đời sống xã hội. Nhìn chung, không chỉ trong nhà trường mà khi bước chân ra ngoài xã hội, mỗi học sinh cũng phải biết cách để ứng xử với mọi người, ứng xử trước các tình huống đời sống một cách thông minh, khéo léo, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.
Trường THPT Chuyên Thái Bình là môi trường tốt để mỗi đoàn viên vừa có thể tích lũy tri thức vừa có thể trau dồi, rèn luyện đạo đức. Học cách để trưởng thành cũng chính là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mình là ai, mình nên làm gì, mình phải làm thế nào để trở thành người tốt, có đức, có tài, có ích cho xã hội. Là học sinh của ngôi trường có bề dày thành tích như trường THPT chuyên Thái Bình, hãy sống để quan tâm, để sẻ chia, để học hỏi, luôn có ý thức trau dồi phấn đấu vươn lên cả trong học tập lẫn trong quá trình hoàn thiện đạo đức nhân cách. Để mãi xứng đáng và tự hào là một CTBer.
Trên đây là một vài ý kiến tham luận của tôi về vấn đề rèn luyện đạo đức của đoàn viên thanh niên trong nhà trường, rất mong nhận được sự góp ý của các đồng chí để bản tham luận được hoàn chỉnh hơn.
Cuối cùng tôi xin chúc Đoàn chủ tich, các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, thành đạt! Chúc các bạn đoàn viên gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa trong học tập, rèn luyện đạo đức tốt! Chúc đại hội đoàn trường thành công tốt đẹp! Tôi xin trân trọng cảm ơn!"