Du học ở các nước tiên tiến là ước mơ của phần lớn học sinh - sinh viên. Trên thực tế, đây là bước khởi đầu của một chặng đường hết sức gian nan và nhiều thử thách nên nếu không chuẩn bị kỹ càng, nhiều người sẽ phải bỏ cuộc.
Trong giới học sinh (HS) Việt Nam, săn học bổng du học luôn là đề tài nóng bỏng. Gia đình nào có khả năng đa phần đều nghĩ đến chuyện cho con em du học. Một số người đã để giấc mơ du học vụt tắt khi họ không trân trọng cơ hội quý báu này, xem đây là một cuộc dạo chơi nên khi nào thấy chán thì dừng bước, cũng có người đã phải bỏ cuộc vì nhiều lý do. Tôi mong những kinh nghiệm sau hơn 3 năm du học ở Canada có thể giúp những bạn du HS một phần nào đó trong quá trình hòa nhập với cuộc sống mới.
Chuẩn bị tốt tiếng Anh
Hiển nhiên, nền tảng tiếng Anh vững chắc là một trong những yếu tố quan trọng để hội nhập.
Đa số các trường trung học và ĐH ở Canada đều có chương trình phụ trợ tiếng Anh cho HS những nước tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất (ESL). Thế nhưng bạn không nên ỷ lại vào điều này để quyết định du học khi vốn tiếng Anh còn yếu. Nhiều người cho rằng khi được (hay bị) thảy vào môi trường nói tiếng Anh sẽ giúp việc học ngôn ngữ này mau hơn. Điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng với tất cả. Những người có tính cách rụt rè rất dễ cảm thấy hụt hẫng và lạc lõng khi bị thả vào môi trường mới. Cái cảm giác tiêu cực này sẽ lớn dần khi vốn tiếng Anh của họ không đủ để hiểu bài giảng trên lớp và giao tiếp với những người xung quanh. Nhiều người đã mắc bệnh trầm cảm do tự ti về tiếng Anh của mình và trở nên sợ phải tiếp xúc với người bản xứ. Tôi đã từng học chung với một du HS Việt Nam, người hằng ngày đến lớp với máy nghe nhạc và ngủ trong hầu hết các giờ học. Chỉ sau một học kỳ, lớp học đã vắng bóng người bạn này.
|
Tiếng Anh không tốt cũng sẽ làm chậm lại quá trình học. Ở năm cuối trung học, HS cần một số lớp nhất định để tốt nghiệp và nộp bảng điểm cho các trường ĐH xét tuyển. Nếu phải học một lớp ESL mỗi học kỳ, bạn sẽ phải học thêm các môn cần thiết vào mùa hè hay phải mất thêm một học kỳ để hoàn thành chúng.
Thật chủ động trong học tập
Du HS cũng cần thích nghi với môi trường giáo dục đòi hỏi tính chủ động cao. Họ nên rèn luyện cách học năng động trên lớp, đừng ngại hỏi khi gặp điều không hiểu. Tuy các giáo viên tôi từng học ở Canada đều rất thân thiện và quan tâm đến HS, nhưng trong 3 năm học trung học chưa giáo viên nào hỏi tôi có cần sự giúp đỡ đặc biệt không vì tôi là du HS cả. Họ không phân biệt và không đánh giá tôi thấp hơn HS bản xứ, vì vậy tôi không nhận được sự ưu đãi hay quan tâm đặc biệt chỉ vì tôi là du HS.
Nền giáo dục của Canada tập cho HS tính tự lập từ các năm cuối bậc trung học. Giáo viên không kiểm tra xem HS có làm bài hay không. Họ không nề hà chuyện ở lại giảng thêm cho HS sau giờ học nhưng HS phải chủ động đến nhờ thầy cô giúp. Hãy tin tôi đi, nếu không rèn cho mình cách học năng động từ phổ thông, vào ĐH bạn sẽ “bơi” và có thể sẽ “chết chìm” nữa đó. Cách học ở ĐH còn đòi hỏi bạn phải làm việc, tìm tòi, tự học nhiều hơn nữa. Sau năm thứ nhất, giảng đường vắng hẳn vì những sinh viên không thích nghi với lối học này bị sàng lọc mất rồi.
Chú trọng hoạt động ngoại khóa
Du HS cũng đừng xem nhẹ các hoạt động ngoại khóa (extracurricular activities) và hoạt động thiện nguyện (volunteer work). Các hoạt động này giúp HS ghi điểm với các trường ĐH. Dễ hiểu thôi, họ mong sẽ chọn được những HS không chỉ biết học mà còn biết hành, có những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường ĐH cũng như mong muốn đóng góp cho xã hội. Những hoạt động ngoại khóa cũng sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh chóng hơn. Rất ít HS ở đây chỉ đến trường và về nhà, họ đa phần đều chơi thể thao hay tham gia vào các câu lạc bộ sau giờ học. Khi tham gia hoạt động ngoại khóa, bạn sẽ có cơ hội làm quen với những người có cùng sở thích và dễ thích ứng với cách sống ở đây hơn.
Biến lạ thành quen Buổi sáng đầu tiên ở xứ người, bạn sẽ thấy ngay cuộc sống của mình đảo lộn như thế nào. Không còn cái cảnh nằm nướng chờ ba mẹ gọi dậy ăn sáng và đưa đến trường. Giờ đây bạn sẽ phải tự chống lại cơn buồn ngủ, tự làm món sáng và chuẩn bị cơm trưa đem theo, tự đón xe đến trường... Những thứ tiếp theo đều phải tự bạn “đương đầu”: những tình huống không thể lường trước được khi đi thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng, mở số điện thoại... Mùa đông đầu tiên có lẽ là thời điểm khó khăn nhất. Rất nhiều người Canada cũng có dấu hiệu bị trầm cảm vào mùa đông. Thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ khiến bạn thêm cô đơn và nhớ nhà, nhưng mùa đông dù dài cũng sẽ trôi qua. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối diện với những điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Canada. Chẳng hạn ở Canada, bạn bè chơi chung rất sòng phẳng, tiền bạc rạch ròi, khác với việc bạn bè hay bao nhau ở Việt Nam. Vậy nên trong trường hợp được một người bạn rất thân trả lại tiền, dù chỉ 1 đô la, bạn nên hiểu rằng hành động đó bắt nguồn từ cách sống của họ chứ không phải vì họ không xem bạn là bạn thân. Rồi bạn sẽ thấy nói câu “cảm ơn”, “xin lỗi” hay vịn cửa cho người đi sau mình... là những chuyện phải làm nếu không muốn lạc lõng. Ngoài ra, vẫn còn những vấn đề như hà hiếp trong trường và không phải HS nào ở đây cũng hoan nghênh du HS. Bạn không thể thay đổi định kiến của một số người nhưng bạn có thể chủ động hòa nhập để không tự cô lập bản thân. Việc HS bản xứ tự đến làm quen với bạn ít khả năng xảy ra. Vậy tại sao bạn không làm quen với họ trước? Có khá nhiều người đã hỏi tôi có hối tiếc khi sang Canada du học? Câu trả lời tự đáy lòng của tôi là “tiếc” chứ không “hối”. Tôi vẫn luôn nhớ những ngày tháng êm đềm sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, những ngày vô tư bên bạn bè, nhưng không có gì phải hối hận khi tôi không chỉ thực hiện được giấc mơ của mình mà còn khám phá bản thân. Tôi của hôm nay khác xưa lắm rồi... |
Phạm Vĩnh Hân
(York University - Toronto, Canada)