Banner
 

Thăm lại chiến trường xưa

Thứ sáu - 04/05/2012 00:33

Thăm lại chiến trường xưa

Xe lăn bánh từ tinh mơ đưa Đoàn Cựu chiến binh trường THPT Chuyên Thái Bình về thăm lại chiến trường xưa vào một ngày cuối tháng 4 – 2012, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị (4/1972 – 4/2012).
THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
 
Trần Thuyên – Hội Cựu chiến binh
    Trường THPT Chuyên Thái Bình
 
              Xe lăn bánh từ tinh mơ đưa Đoàn Cựu chiến binh trường THPT Chuyên Thái Bình về thăm lại  chiến trường xưa vào một ngày cuối tháng 4 – 2012, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị (4/1972 – 4/2012).

              Như đã định, một mạch theo Quốc lộ I, tới Can Lộc, hướng theo dãy Trường Sơn, đoàn chúng tôi dừng lại Ngã ba Đồng Lộc. 16giờ ! Nắng miền Trung như đổ lửa. Sắp lại 10 bông hoa trắng, 10 nén nhang thơm, chúng tôi kính cẩn thắp lên Đài tưởng niệm và phần mộ của các chị. Đi trên con đường yên bình, lặng lẽ mà lòng chúng tôi vẫn thấy bồi hồi, xót xa nhớ lại năm tháng mưa bom bão đạn trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn – phía nối từ Quốc lộ I - Đường 15 và đường ra mặt trận. Biết bao cô gái tuổi xuân thì đã trọn đời hiến dâng cho cung đường khát vọng mà mỗi mét vuông đường phải chịu 3 quả bom Mỹ :
Đường thấm đẫm mồ hôi và máu
Đôi vai mòn gánh cả thương đau”.
                                                                      (T.T)
             Bom thù muốn vùi chôn các chị vào trong  lòng đất. Nhưng không thể! 10 cô gái vẫn kết những đài hoa trắng giữa từng không. Các chị là những phụ nữ Việt Nam là đứa con yêu của dãy Hồng Lĩnh, Sông La, trẻ trung, hồn nhiên, duyên dáng mà quả cảm.
Thoang thoảng đưa bồ kết, hương cau
Kẻo xao động một thời con gái
Khúc Thiên Cầm êm ru bờ bãi
Tóc mãi xanh Hồng Lĩnh, sông La
                                                                         (T.T)

                                                                   
               Khi các du khách còn đang trầm trồ những hang động Phong Nha - Kẻ Bàng thì chúng tôi lặng lẽ rẽ về “Hang Tám Cô”. Trầm mặc giữa đại ngàn, một hang đá nhỏ bên đường vừa đủ để các anh chị chiến sĩ trú tạm mỗi khi bom Mỹ trút xuống. Thật không may, một loạt bom đánh trúng hang. Một tảng đá khổng lồ sập xuống chắn kín cửa ra vào. Tám chiến sĩ ở trong đó kêu cứu, nhưng không còn cách nào khác. Máy bay giặc cứ thay nhau quần đảo. Hết một tuần thì tiếng kêu cứu không còn nữa. Vô vọng! Đơn vị bộ đội sở tại đã làm lễ truy điệu ngay trước cửa hang cho những người con anh hùng liệt sĩ này.
Rời nơi đây, chúng tôi thẳng hướng vô Nam. Đường Trường Sơn êm ru, vắng bóng người qua mà sao như còn nghe rầm rập bước chân của những đoàn quân giải phóng năm xưa.

               Tận trên cao phía thượng nguồn, qua sông Bến Hải là nghĩa trang Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hàng vạn người con thuộc hầu hết các tỉnh phía Bắc. Thỉnh chuông, thắp hương để thưa với các anh, các chị: “Chúng tôi suốt đời ghi tâm, khắc cốt công ơn trời biển của các anh, chị, nguyện sống và làm việc tốt hơn” . Khói hương giữa rừng thiêng còn là là bay, mùi thơm đến xát lòng! Mồ hôi thánh thót! Nước mắt lã chã !
               Lần lượt thắp hương cho những người con Thái Bình xong, theo Đường 9, chúng tôi vào nghĩa trang Đường 9. Nơi yên nghỉ của 300 người con Thái Bình nói riêng và vô vàn những người con tỉnh khác, những binh nhất, binh nhì 18  tuổi đã hy sinh trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh. Xin gửi vào nén tâm hương lời cầu chúc các anh, các chị bình an nơi chín suối.
Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người đã hy sinh...”
              Vâng, Thành Cổ Quảng Trị hôm nay cây lá đã xanh tươi. Bầy em nhỏ đang ngồi ríu rít dưới tán lá. Giữa Thành Cổ, uy nghi cây thiên mệnh, nơi giao hoà Đất – Trời, nơi khắc ghi  81 ngày đêm Máu và Lửa. Những trận đánh ác liệt chưa từng có của Quân dân ta, quyết chiến quyết thắng trong chiến dịch Xuân – Hè 1972. Đứng trước nấm mồ chung này, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ những linh hồn của đất Mẹ, những con người bình dị mà viết nên khúc Tráng Ca.

              Ngay bên Thành Cổ là dòng Thạch Hãn xanh trong chảy ra cửa Việt. Cách đây 40 năm trước, tại bến Nhan Biều 1, đêm đêm bộ đội tấp nập vượt sông, tiến vào thị xã Quảng Trị, mặc cho pháo sáng, pháo giặc đủ loại từ các điểm cao nã xuống, từ biển câu vào.
                Vào những ngày tháng 9, nước lũ tràn dâng, cuộc xoáy, chiến trường quá thảm khốc, rất nhiều chiến sĩ ta đã hy sinh ngay trên dòng sông này. Họ nằm lại vĩnh hằng nơi nghĩa trang không mộ.
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ.
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm,
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm”
(Lê Bá Dương)

                
                Tưởng nhớ các anh, đứng nghiêm mặc niệm bên bờ sông, hương khói cho người: ngã xuống, chúng tôi thả những bông hoa tươi thắm trên dòng sông thiêng.
               Ngày cuối cùng, đoàn trở ra Bắc. Xe chầm chậm qua cầu Hiền Lương. Phía Đông, mặt trời chênh chếch. Trời cao xanh vòi vọi. Lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay như càng tươi thắm hơn. Chúng tôi dừng lại, tĩnh tâm để nhìn ngắm khu di tích lịch sử, nơi vỹ tuyến 17 xưa chia cắt đôi bờ Nam – Bắc. Hôm nay, trời đất của ta, non sông liền một dải. Mừng vui tột độ giữa ngày toàn thắng mà vẫn chút bùi ngùi của những người qua mọt thời bom đạn.
 

Tác giả bài viết: Trần Thuyên

 Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây